Gồm các loại rau sà lách, một ít bột thính khoai tây, đậu phụ... cuốn lại với nhau, gọi là cuốn thính chay, dùng trong khai vị.
Nguyên liệu:
- Rau sà lách hoặc rau diếp
- Bột thính khoai tây
- Bánh đa nem ăn liền
- Đậu phụ tẩm rán
- Cà rốt hoặc dưa chuột - dưa leo (nếu thích)
- Bún
Cho nước chấm
- Chanh, đường, nước mắm chay, ớt
- Hoặc tương đậu nành, vừng (mè) rang, gừng
Thực hiện:
1. Đậu phụ tẩm rán:
- Tẩm đậu phụ với một chút muối hột và xì dầu (soy, soja) khoảng 10 phút cho ngấm.
- Đem rán vừa vàng vỏ.
- Thái chỉ.
2. Thính khoai tây:
- Khoai tây gọt vỏ, rửa sạch.
- Nạo chỉ, rửa lại bằng nước sạch, rắc một chút muối, để 10 phút cho ngấm.
- Đặt chảo lên, cho chút xíu dầu ăn, làm nóng.
- Cho khoai tây vào xào vừa chín tới.
- Bắc ra để nguội, trộn với bột thính và một chút muối gia vị. Không nên trộn lúc khoai còn nóng, bột thính sẽ bị nhão.
- Nếu thích có thêm vị đặc biệt thì có thể trộn thêm với lá chanh hoặc lá đinh lăng thái chỉ.
3. Các nguyên liệu khác:
- Các loại rau rửa sạch.
- Cà rốt, dưa leo thái chỉ.
- Nếu dùng bún khô thì luộc chín, để ráo nước.
4. Cuốn:
- Chuẩn bị một sấp khăn xô hoặc khăn mặt nhỏ sạch, thấm nước, đặt từng chiếc bánh đa vào giữa hai lớp khăn, cho tới khi hết khăn, ủ khoảng vài phút để bánh đa mềm. Cách ủ này bánh đa sẽ mềm mại tự nhiên mà không bị sũng nước, cuốn có thể bảo quản được lâu.
- Đặt bánh đa đã mềm lên đĩa, một lớp lá sà lách (lá diếp), một lớp bún mỏng, một lớp đậu phụ, cuộn chặt tay lại một vòng,
- Tiếp đó đặt vào phần bánh đa chưa cuốn một lớp thính khoai tây, cạnh đó đặt vào phần bánh đa chưa cuốn một lớp cà rốt sợi hoặc dưa leo sợi, gấp hai mép lại, cuộn lại cho tới khi hết bánh đa.
- Với cách cuộn này, khi nhìn sẽ có màu sắc khác nhau, rất đẹp mắt.
- Cuốn xong, xếp vào đĩa, đặt một cái khăn ẩm sạch phủ lên để cuốn không bị khô, sẽ bảo quản được lâu.
5. Nước chấm:
- Pha nước, nước mắm chay (nếu có), đường, nước cốt chanh, ớt thái chỉ sao cho mặn ngọt cay vừa ăn.
- Nếu không có nước mắm chay, có thể làm nước màu bằng cách chưng nóng một thìa đường cho thành hơi có màu caramen, rồi thêm nước vào, để nước có màu vàng mật ong nhạt, sau đó pha thêm với một chút muối cho có vị mặn ngọt, rồi thêm nước cốt chanh và ớt tươi.
- Cũng có thể dùng nước chấm mặn: tương bần (tương đậu nành) chưng nóng với gừng thái chỉ, sau đó rắc thêm vừng trắng đã rang, loại nước chấm này có vị mặn nồng và thơm bùi.
Chúc các bạn thành công!