Kế là ngôi làng cổ thuộc xã Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Xã có mười một thôn, trong đó có sáu thôn làm bánh đa. Người dân trong vùng thường gọi là bánh Kế, bởi bánh đa của làng Kế làm ra có hương vị đặc trưng không giống với bánh đa ở bất cứ nơi đâu.
Trước đây, bánh đa được tráng bằng sắn nhưng do sắn là nguyện liệu khó làm vì dính, dễ bắt bụi, mất vệ sinh… nên được thay bằng gạo
Gạo để làm bánh đa phải là loại gạo ngon, được chọn lựa rất kỹ lưỡng. Gạo được ngâm và xay nhuyễn thành bột. Mỗi gia đình lại có cách pha chế bột khác nhau để tạo nên những chiếc bánh đa có hương vị riêng biệt mà không nhà nào giống nhà nào
Gạo được chọn lựa và xay nhuyễn thành bột để làm bánh
Các nguyên liệu khác như vừng, lạc… cũng được chuẩn bị từ trước đó.
Bánh đa Kế được tráng làm 2 lớp để đảm bảo độ dày cần thiết. Trước khi đem phơi, người ta rắc một lượt vừng, lạc lên trên bề mặt của bánh. Lớp lạc và vừng của bánh đa Kế thường nhiều hơn so với bánh đa ở những nơi khác.
Anh Nguyễn Văn Thi đang thực hiện công đoạn tráng bánh. Anh đã làm bánh đa được 20 năm và anh cũng là đại diện của xã Dĩnh Kế mang bánh đa đi dự hội chợ ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Người ta đặt bánh nên những tấm phên đan bằng nứa và đem phơi. Mọi con đường, ngõ ngách hay khoảng không… đều được tận dụng để phơi bánh đa.
Bánh đa được phơi trên các con đường, ngõ ngách trong xã
Khi bánh se một mặt và vẫn còn dẻo, phải kịp thời gỡ bánh rồi lật bánh sang mặt bên kia. Bánh khô, dỡ bánh xuống để tránh cho bánh bị khô quá dẫn đến nứt, vỡ.
Nướng bánh là công đoạn khá vất vả, bởi người nướng luôn phải ngồi cạnh bếp than hồng rực và phải luôn tay lật để bánh được chín đều. Nướng bánh cũng đòi hỏi kỹ thuật rất cao, sự tinh tế và kinh nghiệm nếu không bánh sẽ bị sống hoặc cháy quá.
Công đoạn nướng bánh đòi hỏi người nướng phải có kinh nghiệm và kỹ thuật thực sự điêu luyện.
Em Trịnh Đăng Đức (9 tuổi), hàng ngày phụ giúp bố mẹ làm công việc đóng gói vào túi nylon để giữ độ giòn cho bánh đa.
Bánh đa Kế được bày bán dọc ven quốc lộ 1A để phục vụ nhu cầu của những người qua lại. Nó trở thành món quà mà mỗi người đến Kế đều muốn mang về.
Theo Triệu Quang (Sài Gòn tiếp thị)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét