Ốc lông thường sống bám trong các rạng san hô, nhất là vùng bờ biển có nhiều gành đá, hang hốc. Mỗi độ trăng sáng hoặc dịp đầu tháng, nước thuỷ triều rút, những người sống quanh vùng biển thường ra gành biển đeo gương lặn bò bắt từng con ốc trong các hốc đá. Nếu hôm trúng luồng ốc bám nhiều, có thể bắt được vài ký. Loại ốc này trung bình to khoảng nửa cổ tay người lớn, hình thù như con ốc quắn, ốc nhảy nhưng bên ngoài con ốc này màu nâu đen, nhiều gai, lông lẫn rong rêu bám đầy, đen trùi trũi xù xì như một cục đá.
Xấu xí vậy nhưng thịt của nó ngon tuyệt, ngon đến nỗi nếu bắt được, nhất nhất họ chỉ dành đãi khách hoặc cả nhà cùng thưởng thức chứ không hề bán buôn. Thường, ốc lông bắt về, ngâm trong nước ngọt độ vài giờ cho nhả hết bùn rong lẫn những thức ăn rồi rửa sạch mới chế biến. Trước khi chế biến, nhất thiết phải “phẫu thuật” cho từng con bằng cách dùng dao chặt mặt sau – phần lưng ốc một lỗ sao cho bên ngoài thông với bên trong con ốc. Khi đó, hấp cho gia vị mau thấm đều vào phần thịt ốc và khi ăn lấy phần thịt ra dễ dàng hơn.
Ốc lông có thể nướng lửa than cũng rất ngon nhưng nhiều người vẫn ưa thích món hấp sả cho nó… đúng bài. Kỳ thực, loại ốc nào cũng ưa sả, khi trộn gia vị hễ có sả khử vào là chất tanh biến mất, chỉ còn lại mùi thơm và hương vị đặc thù của ốc. Ngon hơn các loại ốc khác ở chỗ, phần thịt ốc lông sau khi hấp không teo lại mà còn nguyên, lại dai, ngọt, thơm hơn gấp nhiều lần loại ốc khác. Muối tiêu chanh hoặc nước mắm gừng, vài lá rau răm non là những gia vị ăn kèm với ốc phù hợp nhất. Thịt ốc lông là một đặc sản quý, vỏ ốc còn được nhiều người chế biến hàng mỹ nghệ tuyệt đẹp.
Theo Mỹ Tuyết (Sài Gòn tiếp thị)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét