Tỏi là một loại cây dễ trồng và có mặt hầu hết ở nhiều nước trên thế giới. Không đơn thuần chỉ là gia vị quen thuộc trong nhà bếp, tỏi còn được xem là một loại thuốc chữa bệnh rất công hiệu. Mỗi hoạt chất trong tỏi đều là vị thuốc giúp cơ thể đề kháng và chống lại nguy cơ của bệnh tật.
Tỏi là một trong những cây trồng cổ xưa nhất còn được lưu giữ đến ngày nay. Tỏi có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Riêng Việt Nam, tỏi được trồng nhiều nơi nhưng nổi bật là giống tỏi củ nhỏ ở miền Bắc và tỏi củ lớn ở miền Nam. Ngoài việc sử dụng để chế biến món ăn thì người Việt còn có thói quen sử dụng tỏi như một loại thuốc để chữa trị và ngăn ngừa bệnh.
Nhờ hương vị cay nồng từ tinh dầu mà tỏi có thể dùng làm gia vị cho nhiều món ăn khác nhau.
Món quà kỳ diệu
Là gia vị quen thuộc trong mọi gia đình, tỏi được trồng cách đây hơn 5000 năm và có nguồn gốc từ Trung Á. Theo sử sách thì Ai Cập cổ đại là nơi trồng tỏi đầu tiên. Và từ hàng ngàn năm trước, ngoài nấu ăn thì tỏi còn được dùng vào nhiều mục đích khác nhau. Đối với một số dân tộc, tỏi được xem là vật phẩm linh thiêng để trừ tà, bùa ngải. Người ta mang theo tỏi bên mình để xua đuổi ma quỷ hay tránh trường hợp bị yểm bùa, phép. Từ quan niệm này mà khi chết, trong lăng mộ của các Pharaoh, thần dân thường cho thêm tỏi vào như một tín ngưỡng tâm linh. Vào thời kỳ này, tỏi còn được xem là báu vật màng đến niềm vui, sự may mắn cho các binh lính hay vận động viên trước khi ra trận. Họ tin rằng, ăn tỏi sẽ giúp cho tinh thần thêm hào sáng và chiến đấu kiên cường hơn. Ai Cập cổ đại là nơi đầu tiên biết dùng tỏi để chế ngự một số loại bệnh như hen suyễn, viêm phổi, nhiễm trùng đường ruột hay các bệnh ngoài da. Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhiều năm trở lại đây, các nhà nghiên cứu đã tìm được nhiều công dụng mới hơn của tỏi trong việc chống lại quá trình ôxy hóa, đột biến tế bào, ngăn ngừa các bệnh về tim mạch và ung thư rất hiệu nghiệm.
Là một loại thân thảo có gốc phình to, cùng họ với các loại hành, tỏi chứa nhiều hợp chất quan trọng, tốt cho sức khỏe. Ở Việt Nam, ngoài việc dùng tỏi như một loại gia vị thiết yếu trong bếp thì nhiều người còn sử dụng tỏi để bào chế thành các phương thuốc dân gian để điều trị bệnh, từ bệnh nhiễm trùng, viêm phế quản, cảm cúm, đau răng đến các bệnh về tim mạch, tiểu đường, đau khớp… Tỏi thích hợp với vùng đất xốp, dễ thoát nước. Nếu nhiều nước, tỏi sẽ bị úng, thối còn thiếu nước tỏi cho năng suất thấp. Lá tỏi có mùi vị hơi hăng, nồng và cay nhẹ hơn củ. Nhiều nơi, người ta dùng lá tỏi còn tươi cắt khúc ngắn, trộn chung với rau ghém hoặc thái nhuyễn để nêm vào món xào như một hương liệu làm tăng mùi vị, cho món ăn thêm đặc biệt. Tuy nhiên, củ vẫn là bộ phận được dùng nhiều nhất.
Sau khi thu hoạch, tỏi được bó thành từng bó nhỏ rồi treo lên giàn bếp để tránh trường hợp nảy mầm hay bị thối, giập. Những củ tỏi có phần tép chắc sẽ được dùng làm giống. Mỗi củ tỏi gồm nhiều tép nhỏ bao quanh, bên ngoài được bao bọc bởi một lớp vỏ lụa mỏng. Cứ 100g tỏi củ sẽ cho 60-200g tinh dầu. Nhờ hương vị cay nồng từ tinh dầu mà tỏi có thể dùng làm gia vị cho nhiều món ăn khác nhau. Người Việt thường dùng tỏi để ướp các loại thịt trước khi kho, nướng. Hoặc dùng tỏi bào lát, băm nhỏ, phi thơm với dầu ăn rồi xào cùng các loại rau. Những món ăn này tuy dân dã nhưng lại được nhiều người ưa chuộng và khá phổ biến trong thực đơn của nhiều nhà hàng. Nếu là món gỏi, người nấu không quên cho thêm một ít tỏi phi lên mặt để làm tăng hương vị, cho món ăn thêm hấp dẫn. Còn nếu làm nước chấm mà không có vị hăng hăng, nồng nồng của tỏi thì xem như thiếu mất sự tinh tế, nét đặc trưng.
Gia vị chữa bệnh hữu hiệu
Nhờ giá trị dinh dưỡng cao nên tỏi là gia vị được nhiều người ưa dùng. Trong tỏi có chứa hoạt chất chính như allicin là hoạt chất mạnh và quan trọng nhất. Trung bình cứ một ký tỏi sẽ cho bạn 1-2g allicin. Nó là một chất kháng sinh rất mạnh, mạnh hơn cả penicillin. Tuy nhiên, allicin sẽ phát huy tác dụng nếu tỏi được đập giập, băm nhỏ hoặc xắt thành lát mỏng trước khi sử dụng. Nếu đã giã nát thì không nên để tỏi quá lâu hoặc nấu trên nhiệt độ cao, sẽ làm cho các hoạt chất bị hao hụt. Allicin giúp cơ thể tiêu diệt các loại virus, vi khuẩn, giảm triệu chứng ho, long đờm, nghẹt mũi, khó thở…
Ngoài allicin thì chất ajoene trong tỏi còn có khả năng làm giảm nồng độ fibrinogen, hạ cholesterol, giảm độ kết dính của tiểu cầu nên hạn chế được khả năng đông máu, bệnh mạch vành. Ngoài ra, các hợp chất trong tỏi còn có tác dụng sát trùng, chống oxy hóa, làm thuốc giải độc, giảm khả năng mắc bệnh ung thư… Chính những giá trị kỳ diệu này mà tỏi ngày càng được đánh giá cao hơn trong cuộc sống
Với người Việt, tỏi ta vẫn được ưa chuộng nhất vì mùi thơm của tỏi không chỉ giúp món ăn thêm hương vị mà còn chứa nhiều công dụng trong việc làm thuốc chữa bệnh
Trên thế giới hiện có rất nhiều loại tỏi khác nhau như tỏi voi, tỏi tây, tỏi gấu, tỏi ngọc, tỏi Trung Quốc… nhưng với người Việt, tỏi ta vẫn được ưa chuộng nhất vì mùi thơm của tỏi không chỉ giúp món ăn thêm hương vị mà còn chứa nhiều công dụng trong việc làm thuốc chữa bệnh. Ngày nay, ở một số nơi, người ta còn dùng tỏi để làm đồ cúng. Hoặc dùng tỏi ngâm với rượu trắng, với giấm, vừa để ăn vừa để làm thuốc xoa bóp giảm các triệu chứng đau nhức khó chịu của bệnh viêm khớp, cao huyết áp. Vào ngày mới, người Nhật có thói quen dùng tỏi hấp với lòng đỏ trứng gà nhằm tăng cường sức khỏe và chống bệnh tật.
Các hoạt chất trong tỏi rất mạnh do đó không nên dùng tỏi với một liều lượng quá nhiều trong ngày. Dùng nhiều có thể sinh ra chứng viêm ruột hay mắc bệnh tiêu chảy. Cũng không nên dùng tỏi xắt lát để đắp lên da quá lâu, tỏi có thể làm cho da bị bỏng, rát, khó chịu.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét