Đến với Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, bên cạnh sự thưởng thức vẻ đẹp của Di sản, hẳn bạn không quên thưởng thức hải sản của vùng Vịnh. Đã có nhiều ý kiến nhận xét, hải sản ở vùng Vịnh Hạ Long là ngon hơn cả so với các miền biển khác của Việt Nam. Có thể. Vịnh Hạ Long có nhiều các đảo đá, rạn san hô. Hải sản sống ở các ghềnh đá, rạn san hô thường ngon và phong phú về chủng loại.
Tuỳ điều kiện về tiền nong và sự tiện lợi của chuyến đi, bạn chọn cho mình cách thưởng thức hải sản Hạ Long sao cho được như ý.
Đây chỉ nói lối thưởng thức dành cho số đông, người Hạ Long thường thưởng thức hoặc đãi khách như thế, số đông khách đến với Hạ Long cũng có thể tìm và thưởng thức như thế.
Tôi đãi bạn hải sản Hạ Long ở nhà hay đi nhà hàng (bên Bãi Cháy, đến khu “Siêu thị ốc” ở Cái Dăm; bên Hạ Long, đến nhà hàng Hương Duyên ở Phố Mới đường Trần Hưng Đạo, hoặc Cái Xà Cong ở phường Hà Tu, hoặc đi nhà bè ở khu biển Cột 5...), bữa ăn thường là: Nếu không ăn lẩu, đầu tiên dùng thứ hải sản gì đó để làm thức nhắm. Đó có thể là một trong các thứ sò huyết, ốc, ghẹ, cù kỳ, duốc lỗ, mực ống, tôm, cá rìa, bề bề... Đem nướng, luộc, xào hoặc hấp. Những thứ này dành cho mỗi người với số lượng vừa phải (vì còn để bụng thưởng thức những thứ tiếp sau).
Thứ tiếp sau là món canh nấu chua. Thường là món canh ngao ta hoặc ngao tây, hoặc canh cá song, hoặc canh hà. Có thể có thêm đĩa xào, nếu chưa thấy thoả mãn: Hà xào măng hay bông thùa xào su hào, hay mực ống, mực lá xào cần tây, hành tỏi tươi.
Cuối cùng là ăn cơm với cá thu một nắng rán giòn. Có cảm giác thiếu rau thì thêm món rau muống xào tỏi hoặc rau cải xào. Nếu ăn lẩu, sự chọn lựa hải sản có thể là tuỳ thích. Nhưng thường có mực, tôm, cá song, ngao ta hoặc ngao tây, hà, ghẹ hay cua. Nước lẩu là nước làm chua bằng một trong các thứ me, chay, tai chua hay cà chua. Rau nhúng lẩu tuỳ chọn. Thường là rau muống, cải xoong, cải xanh, hành củ tươi, rau cần, súp lơ. Có thêm đậu phụ. Cuối bữa dùng bánh đa hay mì tôm.
Có một thứ thức uống rất phù hợp cho thưởng thức hải sản Hạ Long, như là một đặc sản của Hạ Long, đó là rượu ngán. Hiện có ba cách pha rượu ngán: Tách vỏ bỏ vào cái cốc lớn 3 cái ruột ngán còn sống nguyên, rồi dùng một nắm đũa chọc, giằm, siết mạnh hai tay vào nắm đũa ngược chiều nhau, đánh; chẳng mấy chốc mớ ruột ngán nát nhuyễn, chúng bồng lên, sậm một màu đỏ. Sau đó đổ rượu trắng vào đó, bỗng chốc một cốc rượu hồng tươi đã bày ra trước mặt.
Cách khác, chọn con ngán bánh tẻ - loại ngán không già quá, không non quá, đánh sạch vỏ, dùng dây buộc chặt vỏ, luộc chín, mở tách vỏ cho cả ruột lẫn nước trong mình nó vào cốc, chừng 2 đến 3 con, tuỳ người uống thích vị rượu đậm hay nhạt hơn. Sau đó đổ rượu quốc lủi vào. Dùng đũa chọc nhẹ hai bên mình cái ruột ngán (chỗ đen đen), đấy là gan ngán, sao cho bọng gan vỡ ra. Hoặc là có cốc rượu ngán màu phớt hồng, hoặc là cốc rượu phớt xanh, tuỳ cái gan ngán chín đến cỡ nào.
Cách thứ ba là ngán đun: Cho ruột ngán (3 đến 5 cái, tuỳ) vào cái ấm nhôm nhỏ, sau đó đổ rượu quốc lủi hay rượu Sa kê vào, đun sôi. Uống nóng.
Uống rượu ngán, mới đầu thấy hơi đơn đớt, do vị nồng của ngán, hơi mặn mặn do vị nước trong mình ngán, nhưng khi “ực” xong, thấy vị thơm ngát của rượu nơi đầu môi và người bỗng trở nên ấm áp lạ thường, nhất là uống rượu ngán đun. Thứ rượu này khi uống quen, thấy nghiện.
Theo Trần Giang Nam (Quảng Ninh Online)