Cơn mưa như trút nước, vẫn không át được tiếng nhạc phát ra từ chiếc xe kẹo kéo đầu ngõ.
“Xin nắng hạ thổi buồn để mình ngồi nhớ lũy tre xanh/Dạo quanh, khung trời kỷ niệm/Chợt thèm rau đắng nấu canh...”…
Lời ca da diết, từng chữ từng lời thấm vào lòng khiến tôi miên man nhớ cái mùi ngai ngái của đám rau đắng mọc men theo những thửa ruộng cạn ở quê mình.
Còn nhớ, cứ sau mỗi đợt trời sa mưa giông như hôm nay, thể nào đám rau đắng trong ruộng cũng “nhổ giò” thiệt nhanh. Khi đó, đám trẻ nít trong xóm tụi tôi lại được bữa la cà ngoài đồng hái rau đắng. Chẳng phải vì thèm ăn, mà chỉ là một thú chơi sau ngày mưa, y như thú đi bắt châu chấu, cào cào trong những ngày nắng vậy. Và chắc chắn, trong bữa cơm gia đình đám nhỏ ấy, hôm đó, thể nào cũng có món rau đắng: từ rau đắng sống chấm mắm kho, đến rau đắng luộc chấm mắm đồng, hoặc rau đắng nấu canh cá rô mề, rau đắng nấu cháo cá lóc….
Riêng nhà tôi, trong bếp của má nóng hổi nồi cháo cá lóc đồng ăn với rau đắng đất, “chiến lợi phẩm” của chị em tôi sau một ngày la cà ruộng cạn. Nồi cháo ấy cũng chính là nồi “canh giải cảm” của má dành cho chị em tôi trong những ngày thời tiết thay đổi, “để tụi con ăn cho ấm bụng”. Nồi canh giải cảm của má chỉ có vài hạt gạo trắng tinh nở bung như hoa, kèm với mấy lát cá lóc và gừng thái chỉ bốc khói nghi ngút. Má múc cháo ra tô rồi cho vào một dúm rau đắng xanh non, rắc thêm một chút muối tiêu vào, đứa nào cũng húp xì xà xì xụp rồi cười tí toét, “cho con chén nữa”.
Thời đại học, có lần tôi dẫn cô bạn gái người miền Trung về ra mắt má, trời cũng mưa gió sụt sùi như hôm nay, nên dù không đề nghị má đã tự động vào bếp nấu nồi “canh giải cảm” cho hai đứa.
Rồi vừa nhìn hai đứa ăn, má vừa rỉ rả câu chuyện về rau đắng… mọc sau hè. Nào là rau đắng đất mới ăn thì đắng, ăn quen sẽ thấy ngon ngọt không thể nào quên. Rau dân dã như phong cách người miền Tây vậy. Nào là trời nóng, dọn mâm cơm ra mà có tô canh rau đắng đất thì chỉ nhìn thôi đã thấy mát trong dạ rồi. Nào là rau này biết cách nấu thì ăn ngon, khi mới ăn thấy hơi đăng đắng, nhưng nuốt rau khỏi cổ họng sẽ đọng lại vị ngọt trên đầu lưỡi...
Cô bạn gái năm xưa giờ đã là mẹ của sắp nhỏ con tôi, dù cũng học được “bí quyết” nấu canh rau đắng từ má, nhưng sao tôi vẫn có cảm giác không ngon bằng món canh giải cảm cá lóc, rau đắng má nấu ngày xưa. Phải chăng hương vị ấy phải được thưởng thức cùng với mùi rơm rạ, mùi khói đốt đồng ở quê nhà mới ngọt ngào, quyến rũ?
Theo Thanh Thảo (Phunuonline)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét