Đó là một loại bánh chân chất như tên gọi vốn có của nó: “sắn đập”. Cho đến giờ, tôi vẫn nhớ như in dáng người nghiêng nghiêng, bước chân vội vã của má khuất sau bụi tre làng với sọt sắn (khoai mì) đập bên hông để kịp phiên chợ.
Trong ký ức tuổi thơ tôi, ngày còn ở quê, vạt rẫy sau nhà bao giờ cũng trồng vài đám sắn. Mà đâu phải riêng gì nhà tôi, cả xóm quê nghèo ngày ấy, nhà nào ít thì chỉ một đám sắn trong vườn, nhiều đến cả rẫy sắn. Từ củ sắn, các bà, các chị chế biến rất nhiều món ăn như xôi sắn, sắn nướng, sắn luộc... Riêng má tôi, sở trường là món sắn đập.
Tôi không còn nhớ quầy sắn đập của má có từ bao giờ, chỉ biết trong những ngày kinh tế còn khó khăn, gia đình tôi sống nhờ vào sọt sắn đập của má. Ngày nào cũng vậy, mỗi buổi vào phiên chợ là cả nhà lại bận rộn cùng má làm sắn đập.
Rất giản dị, sắn đập được làm từ sắn, nhưng quan trọng nhất lại là cách chọn loại sắn để nấu. Trước khi làm sắn đập, má tự tay chọn những củ sắn dẻo, ít tinh bột, mới được đào ngoài rẫy về. Sau đó má ngồi tỉ mẩn lột vỏ và rửa sạch, cắt đoạn vừa, để ráo. Mặc dù đã phân công mọi người làm từng việc nhưng má đều phải kiểm tra kỹ lưỡng từng công đoạn. Sắn để ráo dùng chày gỗ đập sao cho củ sắn dẹp ra. Xếp thứ tự từng củ sắn dẹp vào xửng hấp cách thủy. Má không quên rải lên trên sắn một ít cơm dừa nạo thành sợi trước khi hấp. Sắn được hấp chín, má cho tất cả vào sọt đậy kín để giữ được độ nóng. Hồi học cấp II, thỉnh thoảng tôi được má cho ra quầy, nói là quầy vậy thôi chứ chỉ là quán hàng rong nhỏ bên góc chợ. Đồ nghề chỉ là một cái sọt đựng bánh, một sọt đựng những thứ linh tinh: đĩa, muỗng, lọ muối vừng (đường, đậu phộng)… được làm sẵn và vài cái ghế nhỏ. Khi có khách, má cười vồn vã, lấy từng lát sắn đập trắng phau còn nóng hổi thơm lừng mùi bột quyện với mùi nắng, cho vào miếng lá chuối rồi thêm một ít dừa sợi, dầu hành và muối vừng. Sắn đập má làm dân dã là vậy mà quán lúc nào cũng đông, sọt bánh nhanh chóng vơi đi theo tiếng nói cười rôm rả.
Sắn đập trắng phau nóng hổi thơm lừng mùi bột quyện với mùi nắng ăn cùng ít dừa sợi, dầu hành và muối vừng
Từ ngày tôi vào thành phố trọ học, sọt bánh má gánh ra chợ mỗi sớm dường như thêm nặng trĩu trên con đường làng. Biết sinh viên chúng tôi thiếu thốn đủ mọi bề nên mỗi lần về thăm nhà, má lại làm thêm sắn đập, gửi cho tụi bạn gọi là quà quê. Ra bến xe đò, tôi thường xách lỉnh kỉnh nhiều thứ nhưng lại vui đáo để, chỉ trong chốc lát giỏ sắn đập được cả bọn cùng phòng “xử” nhanh gọn, vậy mà có đứa còn thòm thèm, thế mới biết tài nấu nướng của má.
Cũng đã từ lâu rồi tôi không còn thói quen cùng má dậy sớm để chuẩn bị sọt bánh cho buổi chợ. Những khi trời mưa gió, dù biết rằng chẳng giúp gì nhiều cho má nhưng cứ mong được chạy về, chỉ để quanh quẩn bên bếp nhỏ, chỉ để được nhìn thấy nụ cười bình yên của má bên sạp sắn đập nơi góc chợ.
Theo Thanh Ly (Phunuonline)