Ở vùng biển đảo nước sâu như Trường Sa, Hoàng Sa, khi đánh bắt được cá nhám trưởng thành, bằng con mắt nhà nghề, ngư dân biết ngay con nào sắp “nở nhụy khai hoa” để nhẹ tay xếp riêng một góc. Tàu vào bờ, những thương lái, đầu bếp nhà hàng, dân sành ẩm thực tranh mua “nhám bầu” ngay. Người ta rạch cái bọc trong bụng cá nhám mẹ. Hàng chục cá nhám phôi thai xổ ra. Gọi là cá nhám em để phân biệt với cá nhám con, đẻ ngoài biển, chưa kịp lớn thì đã dính lưới.
Cá nhám em là loại hải vị quý hiếm, thường được làm các món lẩu, xào sả ớt, chiên mặn, canh chua... để đãi khách quý hoặc làm quà biếu sui gia, người thân trong dịp tết. Nhưng theo dân sành ẩm thực thì món nướng cho hương vị đậm đà nhất.
Thằng bạn làm cá nhám em nhanh gì đâu! Nó rưới đều nước ấm lên thân cá, cạo sạch lớp da nhám, bỏ đầu, cắt bộ vi và lòng để riêng rồi rửa cá bằng nước muối pha loãng. Lúc này nhám em trần như nhộng, lồ lộ những mảng thịt trắng phau. Thịt và lòng được xắt từng miếng cỡ bằng ngón tay và ướp riềng, nghệ tươi, hành, ớt, muối, đường và bột ngọt.
Đặt vỉ cá lên bếp than vừa đượm. Chu cha! Sao mà thơm lạ thơm lùng. Trong hương vị thơm ngọt của cá có vị cay nồng của riềng, ớt; mùi hăng hăng đặc trưng của nghệ tươi; mùi thơm dìu dịu của hành, tỏi đảo Lý Sơn thân thuộc.
Gắp miếng cá nhám em sem sém vàng, chấm chút muối ớt xanh thì mọi phiền toái trên đời không có cửa để lọt vào tâm cảm. Gặp miếng sụn non, vừa nhai vừa nghe dai dai, sừn sựt trong cái béo bùi pha chút mặn mòi... Bỗng chủ nhà gắp miếng gan cá giơ lên, nói như thơ: Cái này hương vị rất riêng, ai muốn độc quyền phải uống ba ly. Riêng gan thôi nghen mấy cha. Còn bộ vi cá bổ như hải sâm thì xin miễn “tơ tưởng” vì bà xã tao hầm cháo đậu xanh bồi dưỡng cho bố già rồi. Thằng “độc quyền” làm nghĩa vụ ba ly nhanh như chớp nhưng ăn gan từng chút một. Nó muốn nhem anh em đây mà!
Theo Trần Cao Duyên (ihay)