Nhớ hàng năm - mỗi khi rằm lớn – ngoại thường dẫn tôi đến chùa lễ Phật, và sau đó, thế nào tôi cũng được ăn món kiểm “nhớ đời”. Ngoại tôi nay đã già không đến chùa, nhưng gia đình tôi những ngày này không thể thiếu món kiểm mà cả nhà ưa thích.
Nhiều lúc, tôi có suy nghĩ và thắc mắc về cái tên gọi cũng như xuất xứ của nó, nhưng không ai giải thích rõ ràng. Thôi thì “trông mặt là bắt hình dong”, cứ xem đây là loại canh ngọt thập cẩm (tương tự như bí, chuối hầm dừa), đặc sản của miền Tây Nam bộ, có gốc gác từ xa xưa khi nhu cầu tâm linh của người dân gắn chặt với những ngôi chùa.
Thủa ấy mỗi khi vào mùa vụ, cư dân thường mang những sản vật ở nông thôn đến hiến cúng, để tỏ lòng thành kính; người vài trái mướp, vài ký khoai, hay một chục dừa, một nải chuối, một trái mít… Vì mỗi thứ một ít, khó chế biến món ăn riêng, nên các vị tăng ni phụ trách nhà trù (nhà bếp) có suy nghĩ đem gom các loại rau, củ, quả… này lại và nấu thành nồi canh tổng hợp. Thế là món kiểm ra đời…
Món kiểm ngày xưa rất đơn giản, chỉ có rau, củ, quả (khoai lang, bí rợ, dừa, chuối, mít …) là chính, không “biến tấu” như ngày nay (nấm đông cô, táo đỏ, nấm mèo, nấm tuyết, bột báng nắn hình trái cà na nhân đậu phộng…).
Tùy theo sở thích và hoàn cảnh thực tế của mỗi nơi nên có những loại nguyên liệu chế biến khác nhau. Nhưng muốn có nồi kiểm thơm ngon, mùi vị hấp dẫn (ngọt đậm đà) không thể thiếu thứ nguyên liệu căn bản là dừa.
Dừa phải có 2 loại: dừa khô và dừa tươi, loại hơi cứng cạy. Dừa tươi vừa để lấy nước, vừa nạo lấy cái thành những sợi dài. Còn dừa khô nạo để lấy nước cốt và nước dão (nước vắt lần 2-3).
Ngoài ra, còn các phụ liệu khác như:
- Đậu đũa cắt khúc
- Mướp khía hoặc mướp hương gọt vỏ, xắt lát
- Khoai lang, bí rợ dẻo (gọt vỏ, xắt miếng)
- Khoai cao, khoai sáp (nấu sẵn lột, gọt vỏ)
- Đậu tây, đậu phộng, hạt sen tươi (ngâm nước, nấu mềm)
- Nấm mèo, nấm đông cô (ngâm nước cho mềm, nấm đông cô chẻ hai, nấm mèo xắt sợi rửa sạch)
- Tàu hủ ky, bột khoai, bột báng, táo đỏ, …(ngâm nước cho mềm, bột khoai bẻ đôi, tàu hủ ky cắt ngắn)
Và cũng cần lưu ý phân loại các nguyên liệu (rau, củ, quả, nấm…) nào có thời gian nấu chín ngang nhau để nấu chung một nồi, tránh thứ mềm, thứ cứng mất ngon!
Trước hết, ướp muối, đường vừa khẩu vị vào khoai lang và bí rợ dẻo để vào nồi cho ngấm. Cho nước dừa, nước cốt dão cùng với 2 thứ nêu trên nấu chín, để sẵn ra nồi thứ nhất.
Tương tự, ta cho những nguyên liệu đã nấu mềm như: khoai cao, khoai sáp, sa kê, đậu tây, đậu phộng, hạt sen tươi…(đã ướp muối đường) vào nồi thứ hai cũng nấu chín như trên.
Tiếp đến, cho 2 nồi vào một. Thả cái dừa nạo, tàu hủ ky, bột khoai, bột báng, táo đỏ… sau cùng và nấu chín hẳn. Cho nước cốt dừa đậm đặc vào, nêm nếm lần cuối, nhắc xuống... Khi múc ra tô nhớ thêm nhúm đậu phộng rang đâm giập là xong!
Thật hạnh phúc và đầm ấm khi cả nhà sum họp đầy đủ nhân ngày rằm để thưởng thức các món chay, trong đó có món kiểm độc đáo thơm lừng. Dùng muỗng múc một muỗng kiểm đưa vào miệng nhai chậm rãi. Vị ngọt của khoai lang, bí rợ, táo đỏ…; vị bùi của khoai cao, khoai sáp…, hòa lẫn vị béo của nước cốt dừa, đậu phộng … tạo nên hương vị thuần khiết của thiên nhiên thật vô cùng hấp dẫn!