Đã từ lâu, trong bữa cơm truyền thống và trong cả những ngày tết Nguyên đán của người Việt không thể thiếu món dưa hoặc cà muối. Đó là những món ăn dân dã, thanh đạm làm từ cây nhà lá vườn. Dưa cà làm cho bữa cơm thêm đậm miệng, giúp cân bằng và kích thích bữa ăn.
Món dưa mà mọi người hay làm là dưa bắp cải. Những ngày được mùa, ăn không hết thì đem muối hoặc nén thành dưa để ăn dần.
Bắp cải có thể dùng để xào, nấu (người Tây còn để nấu súp), luộc và làm dưa. Làm dưa, bắp cải có thể làm riêng, có thể kết hợp với các loại rau khác như su hào, rau cần, rau má nhưng với rau cần là ngon hơn cả. Làm dưa bắp cải có hai kiểu: một là ăn ngay gọi là làm dưa, hai là để dùng ăn lâu ngày gọi là nén (bắp cải nén).
Bắp cải: nếu là lá xanh thì tách lá xếp thứ tự cuộn lại và thái nhỏ như kiểu thái hoa chuối; nếu là bắp cải cuộn thì dùng dao mỏng sắc thái cả chiếc (cũng như thái hoa chuối). Thái xong rửa sạch, để ráo nước cùng với rau răm.
Rau cần: lấy loại rau bánh tẻ; vặt, cắt gốc, rễ, ngắt bỏ lá; cắt khẩu mía ba đến bốn phân. Rau răm ngắt bỏ gốc, cắt khẩu một hai phân phơi cùng với rau bắp cải. Hành tươi tươi rửa sạch, chẻ nhỏ, cắt khẩu ba phân. Nếu muốn có thể cho vài lát ớt thái mỏng, cà rốt thái chỉ để tạo màu sắc hấp dẫn cho dưa.
Nước dưa chua pha với nước sôi để nguội, cho thêm muối (hoặc dùng đường pha nước muối, đường có tác dụng lên men) cho dưa nhanh chua.
Cho rau bắp cải vào nước dưa. Nước dưa đủ sắp mặt rau để dưa chua đều. Khi dưa bắt đầu chua (kiểu chua giôn giốt) thì cho rau cần, hành tươi vào, đảo đều. Sáng cho rau cần, chiều tối là có thể ăn được.